Quy chuẩn khăn giấy và giấy vệ sinh do Bộ Công thương ban hành có hiệu lực từ 01/01/2018

Thông tư 33/2016/TT-BCT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2015/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh.

Quy chuẩn khăn giấy và giấy vệ sinh do Bộ Công thương ban hành có hiệu lực từ 01/01/2018
Vào đầu năm 2015, Cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ số lượng lớn khăn giấy và giấy vệ sinh giả, nhái của một số cơ sở sản xuất tại một số tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trà Vinh, Đồng Tháp… Số lượng khăn ướt, giấy vệ sinh  giả, nhái đó được cung cấp trên toàn quốc. Trước sự hoang mang của người tiêu dùng Bộ Công thương đã vào cuộc.
Ngày 28/10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh. Chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017.
Quy chuẩn của Bộ Công thương quy định mức giới hạn của các chỉ tiêu cơ lý, hóa học, vi sinh, phương pháp thử, các yêu cầu về ghi nhãn và các yêu cầu quản lý chất lượng đối với sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy tissue và giấy tissue dạng cuộn lớn được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy tissue tiếp xúc với thực phẩm nhằm mục đích bao gói, chứa đựng và bảo quản thực phẩm; các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy tissue sản xuất, gia công trong nước cho mục đích xuất khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu, phân phối sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy tissue tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trong Thông tư cũng quy định về bột giấy trong sản xuất, bột giấy sử dụng trong quá trình sản xuất khăn giấy và giấy vệ sinh bao gồm bột giấy nguyên thủy, bột giấy tái chế, hỗn hợp bột giấy nguyên thủy và tái chế.
Bột giấy tái chế sử dụng trong sản xuất khăn giấy và giấy vệ sinh được sản xuất từ các loại giấy văn phòng phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia.
Trong Thông tư nghiêm cấm các hành vi sử dụng các loại bột giấy để sản xuất khăn giấy và giấy vệ sinh từ các loại giấy có nguồn gốc từ giấy và cáctông đã qua sử dụng để chứa dầu, nhớt, mỡ, hóa chất, thực phẩm; có thành phần hợp chất chống cháy (hợp chất Polybrominated diphenyl ether - PBDE, hợp chất Polybrominated biphenyl - PBB, các hợp chất gốc phthalate); hoặc giấy và cáctông đã bị cháy một phần hay có nguồn gốc là rác thải y tế.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn, mang dấu hợp quy (dấu CR) phù hợp với các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue được sản xuất, gia công tại các cơ sở có điều kiện đảm bảo chất lượng trong sản xuất ổn định được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 nêu tại Điều 5 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Các sản phẩm hàng hóa sau khi chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 cần phải được công bố hợp quy. Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 có giá trị hiệu lực không quá ba năm kể từ ngày cấp.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue chưa đủ điều kiện để đánh giá theo phương thức 5 (bao gồm các sản phẩm nhập khẩu theo lô hàng; các sản phẩm được sản xuất, gia công trong nước chưa được đánh giá theo phương thức 5) phải được chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 nêu tại Điều 5 Thông tư số 28.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue sau khi chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 phải được công bố hợp quy. Các sản phẩm nhập khẩu theo lô hàng không phải công bố hợp quy. Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 chỉ có giá trị hiệu lực đối với lô hàng được đánh giá chứng nhận.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue nhập khẩu, sản xuất, gia công, tiêu thụ trên thị trường phải chịu sự kiểm tra về chất lượng theo quy định tại Chương III của Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30/12/2011 của Bộ Công Thương. Thông tư quy định quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và pháp luật hiện hành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue còn phải được kiểm tra chất lượng định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật có liên quan khác. Việc thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue phục vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa phải thực hiện tại các phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định.
'Hàng rào kỹ thuật’ để ngăn chặn hàng kém chất lượng 
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Công thương cho biết, với mục tiêu bảo về quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ban hành quy chuẩn về khăn giấy và giấy vệ sinh. Quy chuẩn được xem như là một công cụ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu mặt hàng này áp dụng những quy định cần thiết để đảm bảo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Quy chuẩn về khăn giấy và giấy vệ sinh được xem là ‘hàng rào kỹ thuật’ để ngăn chặn hàng kém chất lượng trên thị trường, nhằm lập lại trật tự cho mặt hàng được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Giám định, chứng nhận thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu

Hợp quy thiết bị điện gia dụng